skip to Main Content

Doanh nghiệp đối phó với cán bộ giả danh

Cứ cách vài tuần, chị Thủy, nhân viên văn phòng một doanh nghiệp ở Hà Nội lại nhận được điện thoại mời chào mua tài liệu từ những người tự xưng là cán bộ ngành với mức đóng góp vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Chị cho biết lúc đầu cứ ngỡ các bộ ngành phát động chương trình tập huấn, hội thảo nâng cao kiến thức và cần sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, chị đã đề xuất với sếp trích quỹ để ủng hộ cho chương trình. Thế nhưng, thấy tần suất mời chào mua bán tài liệu ngày một nhiều, chị bắt đầu cảm thấy phiền hà.

“Sếp tôi ra lệnh nhân viên công ty cố gắng giữ hòa khí bằng việc sử dụng lời lẽ nhã nhặn nhất đề từ chối những vụ chèo kéo, mua tài liệu tham gia các buổi hội thảo hội nghị… từ những người tự xưng là cán bộ của tổ chức này, tổ chức kia…”, chị Thủy nói.

Theo chị, cái khó nhất của doanh nghiệp là không biết phân biệt đâu là giả đâu là thật. Do vậy, nếu từ chối mua tài liệu của các đơn vị thuộc bộ, ngành thì sợ mất lòng, sau này khó làm việc. Còn nếu trích quỹ ra mua đều đặn thì số tiền tích dần có thể lên tới con số rất lớn.

“Tôi có nghe nhiều thông tin nói về người này người kia giả danh cán bộ ngành tới doanh nghiệp chèo kéo mua bán tài liệu… Thế nhưng, do không có hướng dẫn cụ thể nên việc phân biệt thận giả với chúng tôi quả là khó khăn”, chị Thủy nói.

Sáng 18/8, chị Uyên, nhân viên một doanh nghiệp ở Hà Nội cũng phản ánh với VnExpress trường hợp tương tự. Chị cho hay một phụ nữ tự xưng là người của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội gọi điện đến công ty chị thông báo cơ quan này sẽ tổ chức buổi tập huấn về bảo hiểm xã hội, y tế và chế độ lương mới.

Theo thông báo của người này, buổi tập huấn tổ chức vào 8h-11h30 trong 2 ngày 30/9 và 1/10. Địa điểm là phòng họp tại số 8, phố Phan Huy Chú, Hà Nội. Người phụ nữ đề nghị doanh nghiệp cử 1-2 nhân viên công ty tham dự buổi tập huấn với mức đóng góp 250.000 đồng mỗi suất. Số tiền này là chi phí để mua bộ tài liệu 100 câu hỏi được trả lời sẵn, đĩa CD tập huấn… “Khi tôi hỏi tên và đơn vị công tác, người này chỉ cho biết tên là Bình cán bộ của phòng Thi đua tuyên truyền, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội”, chị Uyên kể.

Chị cho hay từng đôi lần bị mời gọi chèo kéo mua tài liệu nên khi thấy thái độ khá lấp lửng của người phụ nữ này, chị đã yêu cầu được gửi thư mời qua fax hoặc email… “Tuy nhiên, người này đã không đáp ứng và bảo vì sợ doanh nghiệp chỉ đăng ký hình thức nên Bộ yêu cầu cán bộ phải gọi điện trực tiếp và đăng ký ngay thành phần tham gia”, chị Uyên cho biết.

Chưa hết nghi ngờ, chị Uyên gọi điện tới Văn phòng của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để hỏi về buổi tập huấn. Cán bộ văn phòng ở đây khẳng định không có chương trình như vậy tổ chức vào ngày 30/9-1/10.

Theo chị Uyên lương, bảo hiểm xã hội, y tế… là những vấn đề mà hầu hết doanh nghiệp quan tâm. Do vậy, khi nhận được lời chào mời tham gia buổi tập huấn không phải doanh nghiệp nào cũng nảy sinh nghi ngờ và hỏi han cho cặn k��. “Tôi rất mong báo chí và các cơ quan chức năng có cảnh báo cho doanh nghiệp để tránh bị mắc lừa”, chị Uyên nói.

Trao đổi với VnExpress liên quan đến trường hợp trên, Trưởng phòng Tuyên truyền Thi đua – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Lưu Hồng Sơn khẳng định đây là hiện tượng giả danh cán bộ của phòng để lừa doanh nghiệp.

Ông Sơn cho biết Phòng Tuyên truyền thi đua không có cán bộ nữ nào tên là Bình. Bản thân Bộ cũng không có buổi tập huấn nào về những nội dung kể trên diễn ra vào ngày 30/9-1/10. Bên cạnh đó, địa chỉ số 8 Phan Huy Chú, Hà Nội là trụ sở của Học viện Tài chính, không phải là cơ quan thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. “Ngay cả khi có buổi tập huấn thì toàn bộ tài liệu phát trong cuộc họp cũng được phát miễn phí chứ doanh nghiệp không phải bỏ tiền ra mua”, ông nói.

Cá nhân ông Sơn thời gian qua cũng nhận được không ít điện thoại từ những người tự xưng là cán bộ thuộc các đơn vị trung ương đề nghị mua sách, tài liệu hướng dẫn về chính sách…

Theo ghi nhận củaVnExpress.net, thời gian qua, chuyện doanh nghiệp bị mời chào mua sách, phần mềm, tài liệu hướng dẫn chính sách mới… diễn ra khá phổ biến. Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan không ít lần phải có công văn gửi các đơn vị cảnh báo về hiện tượng giả danh cán bộ mình để vòi vĩnh hoặc nhũng nhiễu doanh nghiệp. “Trò lừa” phổ biến nhất vẫn là yêu cầu mua phần mềm hướng dẫn thuế, nghiệp vụ hải quan… Các mức phí cho mỗi phần mềm như vậy vào khoảng 500.000 đồng đến trên 1 triệu đồng.

Theo anh Huân, chủ một công ty kinh doanh dịch vụ ở TP HCM số tiền trên không lớn nhưng nó khiến doanh nghiệp cảm thấy bị nhũng nhiễu và có ấn tượng xấu với nhà chức trách. Từ đó, doanh nghiệp nảy sinh tâm lý thận trọng trong giao tiếp. “Trên thực tế tôi biết có đơn vị nghi ngờ nhưng chẳng muốn mất thời gian tìm hiểu và họ vẫn bỏ tiền ra để tham gia như một hình thức “làm cho xong chuyện để đỡ rắc rối””, anh Huân nói.

Hồng Anh

Nguồn tin: vnexpress.net
Back To Top

0383 083 083